Một kỳ quan kiến trúc chỉ có ở những tài năng đích thực! Nhưng tài năng thường ít thấy ở những con người tự nhận mình ngang hàng với danh nhân kiệt xuất của nhân loại.
Le Corbusier, tên thật là Charles Edouard Jeanneret, sinh ngày 6.10.1887, mất ngày 27.8.1965. Khi ông qua đời, nước Pháp đã chôn cất với nghi thức quốc tang tại sân bảo tàng Louvres, với hàng quân danh dự và những bài điếu văn trang trọng. Ông là kiến trúc sư chưa từng qua bất cứ trường lớp nào.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, một cuộc triển lãm lớn tại trung tâm Pompidou ở Paris đã dành cho nhà kiến trúc tài năng của thế kỷ này. Với 70 mô hình, trong đó có 15 bản gốc, khoảng hơn 1,000 bản vẽ kiến trúc, nghiên cứu, phác thảo, tượng đài, thảm tranh, thư từ tài liệu và sách báo v.v… đã ghi nhận một cuộc tìm kiếm suốt đời cho nghệ thuật và tự khẳng định là một tài năng có thực, một sự nghiệp phong phú và đa dạng.
Nhà thờ Ronchamp, Le Corbusier thiết kế
Từ cuộc triển lãm, mọi người được hiểu rõ hơn về cuộc đời ông. Từ một cậu bé học nghề khắc chạm đồng hồ, ước mơ thành họa sĩ, cuối cùng trở thành một nhà kiến trúc lỗi lạc. Chính hội họa đã soi sáng cho sự nghiệp kiến trúc của ông. Tranh của ông chịu ảnh hưởng của trường phái lập thể từ các họa sĩ tài danh như Braque, Picasso, Juan Gris, Fernand Léger… Điều này, người ta cảm nhận được cảm quan tạo hình của ông về hình thức và sức mạnh của nó trong sáng tạo kiến trúc, như các chi tiết vòm, lò sưởi v.v… trong những công trình do ông thiết kế.
The Modulor
Ông không có điều kiện được học tốt nghiệp một bằng kiến trúc sư nào, nhưng ông không chịu khuất phục, mà cố gắng học hỏi và chịu ảnh hưởng lớn của các nhà kiến trúc đương thời. Ông rung cảm được trước hình khối bê tông của Perret, ngôi nhà Dom-ino (1914) đối với ông còn có câu trả lời tốt hơn cho nhu cầu kinh tế ngoài cứu cánh để ở. Theo ông, kiến trúc là phương tiện để thể hiện sự tự do sáng tạo của mình.
Vậy mà, mãi đến sau khi ông mất, người ta mới bàn cãi nhiều về việc ông làm, còn trước đó là sự im lặng kính cẩn. Những dự án đô thị, những tổ hợp nhà ở được mệnh danh là những “tổ may để ở”, những tế bào hình học “nhà + vườn” hay“không khí + cây xanh + ánh sáng” v.v… do ông thiết kế đã chỉ ra cái triết lý mâu thuẫn “cái có ích chưa phải là cái đẹp”?. Chính lập luận này của ông đã xóa tan điều người ta hằng tưởng ông là tín đồ của chủ nghĩa công năng. Bây giờ thì đã rõ về ý niệm và cái lô gích của ông qua các công trình, là ông đặt những sáng tạo hình lập thể lên trên chức năng, chừng nào điều này do tính hợp lý và yêu cầu tự thân của kiến trúc đòi hỏi.
Với ông, trước khi trở thành hình khối, công trình kiến trúc trước hết phải là một không gian để sống, được nhìn nhận theo công năng trong con mắt người sử dụng nó. Đây chính là sự quan tâm đến mức khắc khoải giữa nghệ thuật và nhân sinh trong cuộc đời sáng tạo kiến trúc của ông. Người ta còn nhắc lại một câu chuyện nhỏ, đời thường về ông, khi ông xây dựng khu chung cư ở Marseille. Ông hỏi ông André Wongensky – tổng công trình sư và là cộng sự với ông: “Thế liệu những người sống ở đó có sung sướng không?” Phần thưởng dành cho ông là câu trả lời của người dân ở khu này: “Họ cảm thấy sung sướng, và sẽ luôn sống ở đó, nếu họ có dời đi nơi khác, họ luôn nhớ để quay về“.
Bởi lẽ, trong việc tổ chức không gian, Le Corbusier còn có một cái gì cao hơn là một khối thực thể vật chất, đó là một tâm hồn của riêng ông dành cho Con người. Le Corbusier mãi mãi xứng đáng là một nhà kiến trúc, nhà thiết kế đô thị, một nghệ sĩ tài năng thực thụ, một tâm hồn thơ, cộng với một cảm quan sáng tạo nghệ thuật…
chung cư Marseille
Một bài viết ngắn chưa thể nói đầy đủ về cuộc đời sáng tạo của ông. Khi tôi còn là sinh viên kiến trúc, các thầy của tôi gọi ông là “Bậc thầy của các thầy” mỗi khi giảng về công trình do ông sáng tác. Vào nghề, tôi có dịp được tham khảo qua sách báo, tài liệu để học hỏi nhiều hơn về tính triết lý trong nghệ thuật kiến trúc của ông theo “trường phái Le Corbusier“.
Tôi viết, để mong góp phần làm rõ hơn về chân giá trị đích thực của một tài năng và ngôn ngữ triết lý từ nghệ thuật sáng tạo của kiến trúc mang lại. Theo tôi, kiến trúc là một tổ hợp hình khối không gian đầy tính nghệ thuật, nhưng trước hết kiến trúc phải phục vụ cho con người. Hoặc là con người sẽ sống đến trọn đời bên công trình, hoặc là cộng đồng dân cư sẽ chiêm ngưỡng nó hàng ngày trong cuộc sống.
Do vậy kiến trúc mang tính đặc thù khoa học + nghệ thuật và xã hội. Bất kỳ sự lý giải nào về một công trình kiến trúc, một khi đã thoát ly tính khoa học của xây dựng, hoặc xa rời tính cộng đồng của xã hội đương thời thì khối vật chất kia chi có thể là một thực thể của sản phẩm tạo hình điêu khắc – chưa đạt đến sự toàn vẹn của sáng tạo kiến trúc. Nhưng nghệ thuật điêu khắc tự thân đã có thứ ngôn ngữ riêng của nó
Nếu sự vay mượn khiên cưỡng hay áp đặt loại hình kiến trúc để phản ánh ý đồ sáng tạo chủ quan bằng phương pháp điêu khắc (hay ngược lại) thì sản phẩm của nó chỉ có thể tiến về hai cực hoặc là kỳ quan tuyệt tác, hoặc là thoát ly nghệ thuật.
nguồn kientrucsu.vn
.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét